Thắt lòng với lá thư: "Cô ơi em nhịn đói"

“Cô ơi, em đã nhịn đói từ hôm qua tới nay rồi”, đó là lời mở đầu trong lá đơn xin nghỉ học của học trò Giàng Seo Sảng ở Đăk Nông.
That long voi la thu: "Co oi em nhin doi" - Anh 1
Căn nhà nội trú được mượn của xã là nơi ở của 8-12 em học sinh nam nữ. Ảnh: Dân trí
Mở đầu lá đơn xin nghỉ học của Giàng Seo Sảng - học sinh lớp 1A, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) gửi đến cô giáo chủ nhiệm Lê Thanh Kim Huệ vào những buổi cuối cùng năm học 2016-2017, em viết: “Cô ơi, em đã nhịn đói từ hôm qua tới nay rồi”.
Đọc bài báo trên báo Dân trí về những em học sinh nội trú ở trường Nguyễn Bá Ngọc, Trường Bế Văn Đàn nhìn mâm cơm của các em, chỉ có cơm trắng và rau xào nước mắm, nhìn “ngôi nhà” các em đang ở để trọ học, cái giường lẫn với củi đun, xoong nồi đen nhẻm, bẩn thỉu… có lẽ nhiều người sẽ không cầm nổi nước mắt.
Khó ai tin được, ở những nơi vùng sâu vùng xa, vẫn đang có những em nhỏ nhà nghèo, xa gia đình đi học nội trú với cái bụng đói meo. Bố mẹ cho gạo và tiền mang đi ăn 1 tuần, nhưng vì còn nhỏ nên các em chỉ tiêu trong vòng 2-3 ngày đã hết. Hôm nhận được lá đơn xin nghỉ học của Sảng, cô giáo Huệ đến nhà nội trú của em, thấy 2 em nhỏ đang nằm bẹp trên giường, nói thều thào không ra hơi vì đói lả đi.
That long voi la thu: "Co oi em nhin doi" - Anh 2
Vì không có phòng, Chư phải kê chiếc giường ngay cạnh bếp. Ảnh: Dân trí
Trong bài viết, thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên Trường THCS Quảng Hòa còn cho biết: “Có lần vào đúng bữa trưa, tôi đi qua nhà nội trú của học sinh. Thấy tụi nhỏ đang xúm nhau lại chỗ chậu nước nên tôi chạy lại xem, không ngờ rằng, chúng đang làm thịt chuột để ăn. Một lần khác, tôi vào tận bếp, xem những nồi cơm của tụi nhỏ, nồi cơm vẫn còn nguyên nhưng đã mốc xanh, mốc đỏ. Vì không có thức ăn nên chúng nấu cơm rồi để đó. Nhìn cảnh ấy chẳng giáo viên nào mà cầm lòng nổi”.
Khốn khổ cho lũ trẻ ở đây, cơm không thức ăn, chúng phải ăn cả thịt chuột. Nhà không có ở, chúng phải ở trọ trong căn nhà tạm lẫn với bếp củi tồi tàn, bố mẹ thì ở xa, chúng nương vào nhau như những thân cỏ dại yếu ớt. Tất cả cũng chỉ vì muốn bám lấy trường, học lấy cái chữ.
Nhưng đói bụng thế thì làm sao học được? Bụng đói, tay run, mắt mờ thì sức đâu mà tiếp thu con chữ? Vì thế chắc có nhiều em phải bỏ cuộc, làm đơn xin nghỉ học, đứt gánh ước mơ.
Không biết hoàn cảnh khốn cùng của các em, rồi đây có được người nào biết đến? Chính quyền tỉnh Đăk Nông liệu có thể trích một phần ngân sách ra làm học bổng trợ giúp cho những đứa bé này được ăn no, ăn bữa cơm có thịt mà đến trường được hay không?
Thật xót xa khi đặt cái đói của lũ trẻ đáng thương này, bên cạnh những công trình ngàn tỷ lãng phí, những nhà máy đắp chiếu ngay khi chưa đi vào sử dụng, những công trình bờ kè hơn ba trăm tỷ đồng đã sạt lở nứt toác chỉ sau một cơn mưa. Thật trớ trêu làm sao, khi có những chỗ đồng tiền ngân sách bị bỏ phí, bỏ hoang phơi mưa phơi nắng.
That long voi la thu: "Co oi em nhin doi" - Anh 3
Bữa cơm nội trú chỉ có cơm trắng và rau xào, nước mắm. Ảnh: Dân trí
Và mới hôm qua, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã vừa có văn bản chỉ rõ, đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông dù chưa đưa vào sử dụng đã gỉ sét. Trên thực tế, tại hiện trường, một số vị trí đã xuất hiện vết nứt dài và sâu. Các thanh tà vẹt gỗ lắp đặt tại khu vực Depot đã tẩm thuốc phòng mục nhưng chưa thấy kết quả kiểm tra chiều sâu độ thẩm thấu, hiện một số thanh xuất hiện vết nứt.
Tất cả những công trình ngàn tỷ, hàng trăm ngàn tỷ đó, cũng đều là từ ngân sách, nhưng vì những lý do nào đó mà nó nhanh xuống cấp, chưa sử dụng đã hỏng. Những đứa bé nghèo xa nhà đi học như Giàng Seo Sảng ở Đăk Nông cũng không bao giờ hiểu được.
Chúng chỉ có những bữa cơm nghèo, cơm trắng với muối, với gói mì tôm pha ra làm canh là sang. Mặc kệ ngoài kia, những số tiền lớn khổng lồ đang nằm phơi mưa nắng, đang mục ruỗng ra trong những công trình lãng phí, hư hỏng xuống cấp.
Và cũng không ai hiểu được lý do vì sao.
Theo Mi An- Báo Mới

Share this

Bài Viết Liên Quan

Mới Hơn
Next Post »