Đơn nghỉ học 'cô ơi em nhịn đói': Chưa biết chi tiêu

Theo cô Huệ, số tiền và gạo bố mẹ em Sảng gửi cho đủ ăn trong 1 tuần, tuy nhiên, do tuổi em còn nhỏ nên chưa biết cân đối chi tiêu.
“Cô ơi, em đã nhịn đói từ hôm qua tới nay rồi”, lời mở đầu trong lá đơn xin nghỉ học của một học trò người dân tộc thiểu số gửi đến cô giáo chủ nhiệm đã khiến không ít người cảm thấy đau xót, không cầm nổi nước mắt.
Để hiểu rõ hơn về lá đơn xin nghỉ học này, chiều ngày 31/5, phóng viên báo Đất Việt đã liên hệ với cô giáo Lê Thanh Kim Huệ - chủ nhiệm lớp 1A, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) thì được biết cô chính là người đã mua bánh mỳ và mỳ tôm cho những học trò đang bị đói.
Cô Huệ kể, khi nhận được lá đơn đó, cô đã xuống ngay nơi ở của em Giàng Seo Sảng - học sinh lớp 1A, cô thấy 2 em đang trong tình trạng bụng đói meo, mặt mũi buồn rầu, vì đói quá mà không đi học được.
Don nghi hoc 'co oi em nhin doi': Chua biet chi tieu - Anh 1
Nơi ở của học sinh trong trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Ảnh: Dân trí
"Mặc dù bố mẹ đã cho em Sảng gạo, thức ăn và tiền tiêu vặt đủ trong 1 tuần nhưng do em còn nhỏ chưa ý thức được việc cân đối chi tiêu nên lá đơn xin nghỉ học đó tôi nhận được vào thứ 5 các em đã trong tình trạng hết tiền, hết gạo để ăn.
Tôi được biết nhà em Sảng cũng có điều kiện, đủ cơm ăn áo mặc nhưng do em thích ăn quà vặt, thấy các bạn mua quà bánh ăn, em cũng mua. Lúc mua hết bằng tiền, em lại đổi gạo lấy bánh kẹo. Trong khi đó, trường học và nhà em Sảng cách nhau 20 km nên bố mẹ em không thể mỗi ngày gửi vài bơ gạo cho em", cô Huệ kể thêm.
Cũng theo lời cô Huệ, nhìn các em ăn mỳ tôm với bánh mỳ khi đang bị đói, cô có cảm giác các em đang rất buồn. Cách các em ăn khi đó giống như kiểu ăn để sống, ăn ngấu nghiến trông rất tội nghiệp.
Cho biết thêm về hoàn cảnh gia đình em Sảng, cô Huệ cho rằng, bố mẹ Sảng là người quan tâm đến con cái, so với người Kinh thì không bằng nhưng với người dân tộc thiểu số là đầy đủ, không bao giờ để con thiếu thốn, hơn rất nhiều những trường hợp khác trong trường. Trong khi đó, em Sảng cũng là một học sinh ngoan, là học sinh giỏi môn Toán.
Don nghi hoc 'co oi em nhin doi': Chua biet chi tieu - Anh 2
Bữa cơm nội trú chỉ có cơm trắng và rau xào, nước mắm. Ảnh: Dân trí
Cùng ngày, thầy La Minh Tuấn, hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho biết, sau khi nhận được thông tin về lá đơn của em Sảng, thầy và nhà trường đã xuống tìm hiểu thực sự về đời sống của em và hoàn cảnh gia đình.
Thầy Tuấn nói: "Bố em Sảng có cho chúng tôi biết, mỗi tuần cho em 100 nghìn đồng để tiêu vặt, bên cạnh đó là 20 bát gạo cùng thức ăn ăn đủ trong 1 tuần. Tuy nhiên, có những khi em không nấu cơm, chỉ treo nồi lên vách để đi mua quà bánh ăn nên bố mẹ bực lắm. Theo lời bố em Sảng, gia đình không đến nỗi nào mà để em phải nhịn đói".
Mặc dù vậy, theo ông Tuấn, lá đơn xin nghỉ học này cũng là những lời thật của em, có thể do sợ bố mẹ biết vì tiêu hết tiền rồi la mắng nên em mới viết đơn gửi cô giáo như vậy.
Cho biết về những hình ảnh giường chiếu mục nát nơi em Sảng ở, vị Hiệu trưởng cho rằng, đây là khu nhà trọ, không phải khu nội trú. Còn nếu là khu nội trú thì đã được nhà nước hỗ trợ.
"Mặc dù, học sinh trong trường 100% là dân tộc thiểu số nhưng tinh thần học tập của các em rất tốt, đi học đầy đủ và chịu khó học bài khi về nhà", Hiệu trưởng Tuấn nói.
Về việc này, chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk Glong cũng cho rằng, đây là do em Sảng không biết cân đối chi tiêu nên mới để xảy ra tình trạng nhịn đói 2 ngày như vậy.
"Việc này trường đã báo cáo lên chính quyền cấp trên. Còn nếu có sự thật như vậy, chúng tôi sẽ báo với huyện để huyện có cách hỗ trợ em. Tuy nhiên, sự thật không phải do hoàn cảnh khó khăn mà em Sảng phải nhịn đói, đây là do cách chi tiêu của em chưa hợp lý.
Về tình hình chung ở trường đó, không có trường hợp nào học sinh nghèo đói đến mức không có cơm ăn, áo mặc đến trường", vị trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện cho biết.
Theo Thanh Giang - Báo Mới

Share this

Bài Viết Liên Quan

Mới Hơn
Next Post »